OFDMA là gì và bạn có cần nó vào năm 2023 không?

0
36

Wi-Fi 6 còn được gọi là 802.11ax là thế hệ mạng LAN không dây có những thay đổi lớn nhất về kiến trúc. Không giống như những thế hệ trước thường chỉ có cải tiến một chút về tốc độ, Wi-Fi 6 được xây dựng lại từ đầu để hỗ trợ một thế giới siêu kết nối qua mạng Wi-Fi. Để thực hiện được điều này, Wi-Fi 6 bao gồm một số tính năng mới và cải tiến về thiết kế. Trong đó, tính năng mới quan trọng nhất chính là OFDMA.

Vậy OFDMA là gì? Tại sao tính năng này lại giúp Wi-Fi 6 trở nên khác biệt so với các thế hệ mạng LAN không dây trước đó? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

OFDMA là gì?

OFDMA (Orthogonal Frequency-Division Multiple Access) hay Đa truy cập phân chia theo tần số trực giao là một trong những công nghệ nổi bật nhất của Wi-Fi 6. Công nghệ này sẽ lấy một kênh Wi-Fi và chia nó thành các kênh con hoặc đơn vị tài nguyên (RU). Nhờ vậy, một AP (đường lên & đường xuống) có thể giao tiếp với nhiều máy khách bằng cách chỉ định chúng cho các RU cụ thể. Ngoài ra, bằng cách chia nhỏ kênh, các ứng dụng sử dụng các khung nhỏ (truyền phát video, âm thanh) có thể được truyền đồng thời đến nhiều điểm cuối để tối ưu chi phí hoạt động và tránh tắc nghẽn, cải thiện hiệu suất ứng dụng.

Giả sử một người đến phòng chờ sân bay sớm vài giờ và không có nhiều người trong khu vực này. Người dùng đó kết nối, xem nội dung nào đó trên Netflix và gọi Zalo một cách bình thường bằng mạng Wi-Fi tại sân bay. Theo thời gian, khu vực phòng chờ trở nên đông đúc và mạng không còn sử dụng được nữa. Nguyên nhân ở đây rất có thể là do có quá nhiều người dùng cùng kết nối gây tắc nghẽn mạng mà không phải là do băng thông kém. OFDMA được phát triển để giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép nhiều máy khách kết nối đồng thời với một AP. Công nghệ này rất linh hoạt vì nó có thể phân bổ toàn bộ kênh cho một khách hàng, tùy thuộc vào lưu lượng sử dụng.

OFDMA hoạt động thế nào?

Trên lý thuyết, các kênh được chia thành các sóng mang con. Khoảng cách giữa các sóng mang con này là trực giao để ngăn cản nhiễu giữa các sóng mang con với nhau. Với Wi-Fi 5, một kênh 20MHz bao gồm 64 sóng mang con 312,5kHz và tất cả chúng được sử dụng để truyền dữ liệu đến một máy khách. Tuy nhiên, Wi-Fi 6 hoạt động theo cách khác và cho phép thu nhỏ không gian của sóng mang con từ 312,5kHz xuống 78,125kHz, cho phép số lượng sóng mang con tăng lên 256.

Các sóng mang con được nhóm thành các RU, vì vậy một AP có thể chia nhỏ kênh 20MHz thành 26, 52, 106 và 242 RU. Trong quá trình phân bổ, AP còn có nhiệm vụ kiểm soát số lượng RU được sử dụng hoặc kết hợp chúng lại với nhau. Ví dụ: AP có thể phân bổ toàn bộ kênh để phục vụ một khách hàng hoặc có thể phân vùng kênh để giao tiếp với nhiều khách hàng. Điều này có nghĩa là AP có thể giao tiếp với một máy khách qua kênh phụ 8MHz và sau đó là ba máy khách khác ở 5MHz nếu tất cả các máy khách đều hỗ trợ Wi-Fi 6.

Ưu điểm của OFDMA

OFDMA giúp giảm thời gian phản hồi cho các thiết bị. Vì vậy, công nghệ này trở nên lý tưởng cho các ứng dụng thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo. Dưới đây là những ưu điểm khác mà bạn sẽ tìm thấy khi sử dụng OFDMA.

  • Lên đến 74 khách hàng có thể kết nối với một AP duy nhất: Ngoài kênh 20MHz, Wi-Fi 6 có thể phân vùng các kênh 40, 80 và 160MHz. Về mặt lý thuyết, điều đó cho phép 74 máy khách có thể kết nối với một AP duy nhất. Tất nhiên, thực tế là hầu hết doanh nghiệp đều sẽ định cấu hình AP với các kênh 20MHz, cho phép tối đa 9 máy khách kết nối với một AP cùng một lúc.
  • Hỗ trợ cho các ứng dụng băng thông cao: Thông lượng cao hơn kết hợp với mạng hiệu quả hơn sẽ cho phép doanh nghiệp chạy các ứng dụng trên Wi-Fi 6 mà trước đây họ không thể chạy.
  • Độ trễ thấp: Theo một nghiên cứu do Qualcomm Technologies thực hiện, độ trễ đường xuống và đường lên sẽ giảm lần lượt là 40% và 65% khi bật OFDMA.

Nhìn chung, Wi-Fi 6 sẽ mở ra một thế giới của những khả năng mới và OFDMA là một “nhân tố” đóng vai trò quan trọng trong việc biến điều này thành hiện thực.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here